Ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp
Đăng lúc: 21:27:36 11/06/2023 (GMT+7)
(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi cùng cán bộ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã đi khảo sát một số công trình phục vụ công tác chống hạn và xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ thu mùa 2023.
Cán bộ Chi nhánh Thủy nông Hậu Lộc (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã) kiểm tra độ mặn tại cống Lộc Động.
Thời điểm này, các cống: Bộ Đầu, Thành Châu, Ngọc Đỉnh, Lộc Động (Hậu Lộc), âu Báo Văn (Nga Sơn) đều được đóng kín. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã: “Việc đóng các cống vào thời điểm này là để ngăn mặn, giữ ngọt. Tháng 5 và 6 được xem là thời gian cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn. Cống chỉ được mở để lấy nước khi nguồn nước bảo đảm độ mặn cho phép. Đây là giải pháp quan trọng để công ty thực hiện loạt giải pháp tiếp theo ứng phó với tình hình xâm nhập mặn”.
Vụ thu mùa năm nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã đảm nhiệm phục vụ nguồn nước cho 25.500 ha sản xuất nông nghiệp tại các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn và một phần TP Thanh Hóa. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình cấp nước của đơn vị là hầu hết các sông cấp nguồn nước tưới cho các huyện, thị xã đều chịu ảnh hưởng thủy triều, một số nơi thường xuyên bị nhiễm mặn. Vì vậy, công ty đã xây dựng phương án tưới cho toàn vụ. Trong đó, các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn theo diễn biến cụ thể của thời tiết và có giải pháp riêng cho từng vùng tưới. Thời điểm này, tình hình thời tiết và xâm nhập mặn đang ở mức bình thường, nguồn nước các sông bảo đảm, nên công ty chỉ đạo cho các chi nhánh thủy nông chủ động đóng kín các cống để ngăn mặn, giữ ngọt. Các cống lấy nước và trạm bơm tưới có ảnh hưởng triều, trước và trong khi lấy nước phải kiểm tra chất lượng nước. Trong quá trình lấy nước, 15 phút kiểm tra chất lượng nước một lần tại các cửa lấy nước và ghi vào sổ theo dõi mỗi lần đo. Độ mặn cho phép khi bơm, lấy qua cống phải bảo đảm yêu cầu cho suốt cả năm và tận dụng tối đa khả năng lấy nước triều vào kênh. Trường hợp điều kiện thời tiết khó khăn, hạn kéo dài hoặc khi hạn căng thẳng xảy ra, các đơn vị thực hiện phương án tưới riêng.
Chi nhánh Thủy lợi Nga Sơn đã thực hiện đắp đập sông Càn, đóng âu Báo Văn. Đồng thời, đấu mối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình để lấy nước qua âu Cầu Hội, tạo nguồn cho các trạm bơm trong hệ thống của chi nhánh. Ông Nguyễn Hữu Hoan, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Nga Sơn, cho biết: Thời điểm này đang là cao điểm của nắng nóng, nguy cơ xâm nhập mặn cao. Vì vậy, để chủ động ứng phó, chi nhánh đã tranh thủ lúc nguồn nước bảo đảm thực hiện bơm nước vào ao, hồ, các kênh tưới, tiêu để tích trữ nguồn nước ngọt, bảo đảm nước phục vụ sản xuất.
Tại Chi nhánh Thủy lợi Hậu Lộc, trên cơ sở nhận định vào đầu vụ thu mùa, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn, có khoảng 561/5.621 ha có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Do đó, để bảo đảm nguồn nước sản xuất cho toàn bộ diện tích, cán bộ của chi nhánh luôn bám sát địa bàn, thường xuyên, liên tục đo độ mặn, khi độ mặn cho phép từ 0,5% trở xuống thì tiến hành bơm nước. Cùng với đó, chi nhánh tận dụng triệt để nguồn nước ở ao, hồ, kênh nội đồng để tưới khi xảy ra trường hợp hạn và xâm nhập mặn.
Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi, khu vực đồng bằng, ven biển sẽ là vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Dự báo có khoảng 4.800 đến 7.200 ha có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tập trung ở các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa. Để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn tại vùng triều, Chi cục Thủy lợi đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn. Đồng thời, khuyến cáo UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng ven biển và các công ty khai thác các công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi lịch thủy triều, mực nước sông và độ mặn ở vùng triều để đóng, mở các cống, bơm nước vào kênh, đồng ruộng để tích trữ nước khi chất lượng nước bảo đảm yêu cầu, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời khi xảy ra.
Bài và ảnh: Hương Thơm Các tin khác
- Thanh Hoá: Toàn cảnh công trình đầu mối sông Lèn
- Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đa mục tiêu giá trị công trình thủy lợi
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh: Hầu hết doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang gặp khó khăn
- Tin dự báo mưa ở khu vực đồng bằng bắc bộ khu vực các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình và Nam Bình
- Bắc Bộ và Thanh Hóa sắp có mưa lớn diện rộng
- Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 60-120mm
- Bão Doksuri có thể mạnh lên thành siêu bão, miền Bắc sẽ mưa lớn sau nắng nóng
- Bão số 1 có thể là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây
- Ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp
- Báo cáo công tác chuẩn bị đầu tư dự án Tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng Bắc Thanh Hóa
Truy cập
Hôm nay:
334
Hôm qua:
417
Tuần này:
2805
Tháng này:
14130
Tất cả:
160415
Liên kết website