tai xiu online | Top game đổi thưởng

date
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 52 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG TY TNHH MTV THUỶ LỢI BĂC SÔNG MÃ (29/11/1971 -  29/11/2023)

Đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu

Đăng lúc: 08:45:46 14/02/2023 (GMT+7)

(ĐCSVN) - Đầu tư phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết cho lúa, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế.

 Đó là nội dung được ông Lương Văn Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết về quan điểm để củng cố, phát triển hạ tầng thủy lợi được xác định tại Dự thảo Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

​​​​​​​
Ông Lương Văn Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết về những kết quả nổi bật của ngành Thủy lợi trong thời gian vừa qua, nhất là về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai?
Ông Lương Văn Anh: Thời gian qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, ngành Thủy lợi đã xây dựng, cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật, điển hình như: Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều,.. Bộ máy quản lý nhà nước, quản lý khai thác, đơn vị sự nghiệp khoa học, tư vấn thiết kế, đào tạo từ Trung ương đến địa phương đã được hình thành và phát triển nhiều năm, bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý hệ thống hạ tầng thủy lợi và chủ động giải quyết các vấn đề lớn phát sinh trong thực tiễn.
Nhìn chung, ngành Thủy lợi đã có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Đây là nội dung được Bộ Chính trị đánh giá đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Đến nay, cả nước đã xây dựng được trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên. Trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn; hơn 86.200 công trình thủy lợi, gồm 6.750 hồ chứa, 592 đập dâng, 19.416 trạm bơm; 27.754 cống; 16.057 đập tạm; 291.013 km kênh mương; 16.573 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung.
Trên hầu hết các lưu vực sông đều có hệ thống hồ chứa tham gia phòng, chống lũ, tổng dung tích tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du của các hồ chứa lớn hiện nay khoảng 13,3 tỷ m3 . Hệ thống đê sông hiện có 9.242 km (trong đó 2.741 km từ cấp III đến cấp đặc biệt), 1.035 km kè, 1.563 cống dưới đê. Ngoài ra còn có hơn 30.000 cống bọng, 28.000 trạm bơm nội đồng tưới tiêu kết hợp, hàng ngàn km bờ bao, cống nhỏ phục vụ chống lũ, ngăn mặn, tiêu thoát nước ở đồng bằng sông Cửu Long.
Các công trình, hệ thống công trình thủy lợi trên đã đảm bảo cấp nước cho 4,28 triệu ha, trong đó, tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha gieo trồng (đạt 95%); cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; đảm bảo kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp; kết hợp phát điện và phục vụ cho giao thông thủy, bộ, du lịch, bảo vệ môi trường...; tiêu thoát nước cho trên 1,72 triệu ha đất nông nghiệp và một phần diện tích khu đô thị, công nghiệp qua hệ thống công trình thủy lợi. Hệ thống công trình phòng, chống lũ đã bảo vệ cho hơn 23 triệu dân cùng hạ tầng xây dựng, công nghiệp, giao thông, quốc phòng, du lịch... và gần 2 triệu ha sản xuất nông nghiệp ở 15 tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng đồng bằng 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh và nhiều vùng, địa phương khác trước thiên tai lũ, ngập lụt; kiểm soát lũ cho hơn 1,2 triệu ha cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long.
Một số công trình, hệ thống công trình thủy lợi lớn, tiêu biểu đã được xây dựng và đưa vào vận hành, mang lại hiệu quả cao như: các hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, Sông Nhuệ ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; các hồ chứa nước Cửa Đạt, Tả Trạch, Ngàn Trươi, Định Bình; các đập Thảo Long, Thạch Nham, Vân Phong ở khu vực Trung Bộ; hồ chứa nước Dầu Tiếng ở Đông Nam Bộ, hay gần đây là hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé ở Đồng bằng sông Cửu Long, Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.
PV: Nghị quyết 138/NQ-CP của Chính phủ về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã nêu rất rõ các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển quốc gia. Trong đó có việc hình thành cơ bản khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng thủy lợi. Vậy xin ông cho biết về định hướng quy hoạch hạ tầng thủy lợi của nước ta trong thời gian tới?
Ông Lương Văn Anh: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định rõ các quan điểm, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể để củng cố, phát triển hạ tầng thủy lợi.
Về quan điểm, thứ nhất, đó là đầu tư phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết cho lúa, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế. Củng cố, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống công trình ngăn lũ, thoát lũ, phòng chống sạt lở nhằm chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên.
Thứ hai, thống nhất, đồng bộ hệ thống quy hoạch quốc gia; định hướng tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành thủy lợi, phòng, chống thiên tai.
Thứ ba, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước theo lưu vực sông kết hợp với đơn vị hành chính. Cân đối, điều hòa nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thứ tư, giải quyết những tồn tại, thách thức lớn trong công tác thủy lợi, phòng, chống thiên tai mang tính liên vùng, liên tỉnh như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, hạ thấp mực nước, lũ, ngập lụt, úng, lũ quét, sạt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển.
Thứ năm, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn nước.
Thứ sáu, huy động đa dạng nguồn lực, trong đó nâng cao tỷ trọng nguồn lực xã hội, đầu tư đồng bộ, phân kỳ đầu tư có trọng tâm trọng điểm hệ thống hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai.
Về một số mục tiêu cụ thể, đó là cấp nước tưới chủ động với tần suất đảm bảo tưới 85% cho 3,4 đến 3,5 triệu ha diện tích lúa 2 vụ tại các vùng có khả năng đáp ứng về nguồn nước; 75-85% tại các vùng khó khăn về nguồn nước. Đến 2030, 70% diện tích cây trồng cạn được tưới (rau màu đạt 1 triệu ha, cây ăn quả 1,4 triệu ha, cây công nghiệp đạt 1,5 triệu ha). Đến năm 2050, đảm bảo tưới cho diện tích 3,3 triệu ha cây trồng cạn; nâng dần tần suất đảm bảo tưới cho rau màu lên 90%, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm từ 90 đến 95%. Đảm bảo cấp đủ nước cho khoảng 10,5 triệu con gia súc, gia cầm vào năm 2030 và 13 triệu con gia súc, gia cầm vào năm 2050; cấp, thoát nước chủ động cho từ 1,35 đến 1,4 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung.
Bên cạnh đó, tạo đủ nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt nông thôn, cấp và tạo nguồn nước cho khu đô thị, công nghiệp, khu kinh tế... từ công trình thủy lợi; cấp nước chủ động cho hoạt động kinh tế ven biển, các đảo đông dân cư. Phục hồi, bổ sung nguồn nước trên một số sông, kênh, hệ thống thủy lợi đang bị ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nước đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sử dụng nước, góp phần cải tạo môi trường.
Về tiêu, thoát nước, chủ động tiêu, thoát nước ra sông chính, đảm bảo tiêu thoát ở vùng đồng bằng, vùng thấp trũng phục vụ dân sinh, sản xuất. Đáp ứng tiêu chủ động cho các khu đô thị, dân cư tập trung, hạ tầng khác tiêu vào hệ thống công trình thủy lợi; duy trì hợp lý diện tích chứa, trữ, điều tiết nước mưa.
Ngoài ra, đó là việc chủ động nguồn nước tại chỗ ứng phó với hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất tại các vùng thường xuyên thiếu nước. Chủ động kiểm soát mặn, ngọt trong nội đồng tại các vùng cửa sông và vùng ven biển; có giải pháp chủ động cấp đủ nước cho sinh hoạt khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Giải quyết dứt điểm nước sinh hoạt cho một số vùng đặc biệt khó khăn về nước thuộc vùng miền núi phía Bắc, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long,…
Hệ thống kênh dẫn nước thủy lợi hiện đại Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Ảnh: Trần Sơn Nam)
PV: Với những định hướng của ngành Thủy lợi trong tương lai như ông vừa nêu, vậy theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn để chúng ta hiện thực hóa quy hoạch hệ thống hạ tầng thủy lợi nêu trên?
Ông Lương Văn Anh: Về thuận lợi, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tham gia đóng góp của Nhân dân, từ khi thành lập nước năm 1945 đến nay, nhìn chung, hạ tầng hệ thống thuỷ lợi đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp và đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai. Các hệ thống thủy lợi ngày càng khẳng định được vai trò trong sự phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt trong vấn đề đảm bảo nguồn nước cho các hoạt động sản xuất và dân sinh cũng như vấn đề cải thiện môi trường.
Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã tác động lớn đến hạ tầng thủy lợi, làm giảm hiệu quả phục vụ của công trình thủy lợi. Cụ thể, một số khó khăn, tồn tại chính có thể kể đến như: Nhiều công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, thiết kế trước đây chủ yếu tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phục vụ cho cây lúa, nên khó thay đổi công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn, phục vụ đa mục tiêu. Hiệu quả sử dụng nước cho nông nghiệp chưa cao so với các nước trong khu vực, chỉ đạt khoảng 0,37 USD/m3, bằng một phần hai của Nhật Bản và một phần tư của Trung Quốc.
Cùng với đó là việc bố trí sản xuất và quản lý sản xuất chưa hợp lý, xảy ra tình trạng tổ chức sản xuất vượt quá khả năng phục vụ của nguồn nước, gây sức ép lên hệ thống thủy lợi hiện có, làm gia tăng tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Thực tế, một số khu tưới diện tích sản xuất có nhu cầu nước gấp 1,5-2 lần diện tích tưới thiết kế nên tình trạng hạn hán, thiếu nước đã xảy ra ngay cả ở những năm lượng mưa không thiếu hụt quá nhiều. Một số địa phương khu vực Trung Bộ vẫn bố trí sản xuất 3 vụ/năm dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn nước cho các vụ sản xuất ở năm kế tiếp.
Mặt khác, các hoạt động gia tăng khai thác nước, hoạt động khai thác cát trên các con sông là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ, hạ thấp lòng sông, dẫn đến tình trạng hạ thấp mực nước sông tại hạ du một số lưu vực sông lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả khai thác các hệ thống thủy lợi, thậm chí mất năng lực phục vụ. Đồng thời gây ảnh hưởng đến giao thông thủy, cạn kiệt nguồn nước, suy thoái môi trường nguồn nước.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước, diễn biến cực đoan, xảy ra thiên tai với cường độ mạnh, ngày càng bất lợi; tình trạng lấn chiếm, xả nước thải vào công trình thủy lợi đã và đang ảnh hưởng đến năng lực và an toàn của công trình thủy lợi,…
PV: Với những khó khăn như vậy, vậy ngành Thủy lợi có những kiến nghị gì đối với Trung ương cũng như các giải pháp mà ngành sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới để triển khai được những định hướng đề ra, thưa ông? 
Ông Lương Văn Anh: Các khó khăn, thách thức đối với ngành thủy lợi sẽ ngày càng gia tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu, áp lực của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nước,…Do đó, trong giai đoạn tới, ngành thủy lợi sẽ tập trung thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiếp tục thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phục vụ mục tiêu phát triển đất nước “nhanh và bền vững”. Trong đó nhấn mạnh đến công tác phòng, chống thiên tai và thủy lợi “chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên”.
Cụ thể, toàn ngành sẽ tập trung vào triển khai các giải pháp như: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Đồng thời, chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, toàn ngành sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Nguồn: dangcongsan.vn
Truy cập
Hôm nay:
329
Hôm qua:
417
Tuần này:
2800
Tháng này:
14125
Tất cả:
160410